Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật
Sáng 26-3, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hôi nghị (Ảnh: Báo Bình Dương)
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến;, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng; đại diện lãnh đạo các địa phương trọng điểm về chăn nuôi; các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến xuất khẩu.
Báo cáo tại hội nghị, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật trong thời gian qua có chuyển biến tích cực.
Trong năm 2021, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch (đạt trên 1,5 tỷ USD), trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành chăn nuôi. Đối với sản phẩm động vật, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đã đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch tới 7 quốc gia và đang đàm phán sang nhiều quốc gia; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong đến 18 quốc gia; xuất khẩu thịt lợn đông lạnh, xuất khẩu tổ yến, xuất khẩu bột cá, xuất khẩu lông vũ…cũng đạt nhiều kết quả khả quan.
Đặc biệt, sự hình thành, đầu tư của các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Dabaco, Công ty GreenFeed… đã góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cho chăn nuôi Việt Nam trong tương lai; tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong những năm qua. Nhờ đó, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và mỗi năm xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD.
Hội nghị nhằm báo cáo, đánh giá những kết quả kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thời gian qua; bàn giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả xúc tiến thương mại xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thời gian tới. Đây cũng là diễn đàn cho các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm gia súc, gia cầm xuất khẩu; đề xuất, kiến nghị để các địa phương, xem xét, tiếp thu.
Tại hội nghị, hầu hết các địa phương như Tây Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Bình Thuận, Nam Định, Thái Nguyên… đều chú trọng vào một số vấn đề như : phối hợp với Tổng cục thống kê trong xây dựng dữ liệu về tổng đàn vật nuôi sát thực tế để có độ chính xác cao làm cơ sở tính toán sản lượng thịt trung bình tiêu thụ trong nước. Cùng đó là việc quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu; đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Thú y cho phép giết mổ động vật tại các cơ sở nhỏ lẻ; đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ có quy mô…
Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều vùng an toàn dịch bệnh, quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm yêu cầu phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù là một trong những tỉnh tập trung phát triển công nghiệp nhưng trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì phát triển ổn định; cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%/năm; tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%/năm.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh đã cung ứng ra thị trường trên 500.000 con heo thịt và trên 3,9 triệu con gà thịt. Ngành chức năng đã thực hiện kiểm soát giết mổ tại địa phương trên 200.000 con heo và trên 4 triệu con gia cầm. Qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và hướng tới xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng việc tổ chức hội nghị hôm nay thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các ngành, các cấp, các địa phương. Đây được xem là sự khởi đầu trong việc kết nối thông tin giữa cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, công ty để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần không ngừng nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Ông Mai Hùng Dũng cũng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng là vấn đề rất cần được quan tâm. Tỉnh Bình Dương mong rằng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm đề xuất các giải pháp, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và phát triển xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm chăn nuôi của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, triển khai quyết liệt và đồng bộ việc chuyển đổi số vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí. Đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu. Chú trọng công tác xúc tiến thương mại một cách quyết liệt liệt hơn. Hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương. Lưu ý đề án chọn con giống, đề án thức ăn, đề án chế biến và giết mổ, đề án xử lý môi trường và thiết bị chuồng nuôi….
Bài viết Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Pharmavet Group.
source https://pharmavet.vn/tin-tuc-su-kien/thuc-day-xuat-khau-dong-vat-va-san-pham-dong-vat/
Nhận xét
Đăng nhận xét